Con sông chảy qua quê nội. Hầu hết lưu vực của nó nằm trên các huyện thuộc Xứ Đoài . Lấy nước từ những con suối của dãy núi Ba Vì, đầu nguồn là suối Hai. Hợp với con sông Bùi ở cầu Tân Trượng thuộc Xuân Mai rồi đổ ra sông Đáy. Quên không nói tên , nó là con sông Tích, hay Tích Giang.
Quê nội mình thuộc thôn Phú Đa , xã Cần Kiệm, Thạch Thất. Đoạn sông Chảy qua Thôn Yên Lạc. Rồi dến Ngã 3 sông chia đôi Phú Đa với Phú Lễ. Nhưng dường như sông gắn liền với người bên Phú Lễ hơn. Lâu lắm mình không về quê chẳng biết bây giờ thế nào. Sông bẩn quá rồi không biết còn ai xuống đó tắm không , chứ hình như ngày xưa bên Phú Lễ trẻ con tầm 8,9 tuổi đều biết bơi cả con trai lần con gái, còn bên Phú Đa ít tắm sông hơn. Thường con gái không biết bơi , còn con trai cũng phải tầm hơn 10 tuổi mới biết bơi ( mãi sau học đại học mình mới biết bơi). Tuy biết bơi là thế, nhưng hình như trẻ con bên Phú Lễ yếu hơi, không đánh nhau giỏi như bên làng Phú Đa với Yên Lạc.
Sông ngày xưa trong mát lắm , nước của nó có thể rửa mặt hay uống được, không có rác rưởi lều phều trôi lững lờ như bây giờ. Ngày xưa bên Phú Lễ hay thả vịt bơi trắng sông , chiều chiều lại nghe tiếng gõ mạn thuyền lốc cốc.Mình ở quê nội 3 năm, 3 năm với con sông lắm kỷ niệm vui, buồn.
Vui và nhộn nhịp nhất là những ngày mùa hè ! Bên làng mình có bến Chùa. Với bến gì gì ấy quên mẹ nó rồi, Mình nhớ bên Chùa vì ngày xưa hay tắm ở đấy, một lần suýt chết anh Tùng đẩy vào bờ. Với lại ở đấy có cái trạm bơm, mùa nào ít mưa là thường bơm nước về đồng chảy qua cái mương gần ao hợp tác, nước chảy từ đồng Dấng về đồng Chăm.... Ngày xưa mình với Văn Tồ ( Anh họ) hay oánh nhau ở đấy, đủ các võ, cào, cấu , đấm vào mặt, xông phi , bây giờ Văn thăng rồi. Thăng do tai nạn giao thông. Ngẫm thấy thương !
Mình với đám bạn bè , anh em hay tắm ở bến Chùa với bến gì gì ấy nữa. Kể cũng lạ, hầu như thằng nào tắm sông lâu thì cũng biết bơi. Mỗi mình học mãi chẳng biết, đến ngày chuyển về Xuân Mai vẫn chưa biết. Có lần mình với ông Tùng với ông Thơi còi tắm sông, trêu mấy bà Phú Lễ. Tưởng trêu thế thôi thế mà mấy bà ấy nhảy ùm từ trên bờ xuống sông dìm mình tí chết sặc. Lại nhớ lần đang học lớp 3 , giờ ra chơi cả lũ đi tắm sông, về cô giáo chửi cho cả bọn một trận tơi bời. Mỗi mùa nước lên đục ngầu, cả xóm ra bờ sông ngồi ! Quê mình hồi ấy nhiều trâu hay dắt đi thả chứ không như bây giờ.
Làng mình bên lở, Có con đê dài từ ngã 3 chạy đến cuối xóm chỗ sau ao. Ở đấy có lũy tre, chẳng biết có cái gì tương đồng mà sau này nghe bài Chim sáo ngày xưa của Nhất Sinh mỗi lần đến câu " một ngày mai lũy tre cuối xóm" là mình lại liên tưởng đến cái lũy tre này. Dọc bờ sông làng mình hồi đấy trồng toàn tre, hai bên bờ đê là hai hàng xà cừ. Ông Tằng làm bảo vệ trông 2 hàng Xà cừ với những bụi tre ấy, hồi bé mình đi kiếm củi chỉ dám rút những cái khô, hay những tay gai , Ông Tùng thì toàn chơi cả cây tre về :). Lá xà cừ thì lúc nào xin ông Tằng mới được bẻ , còn bẻ bao nhiêu bị thu hết , lần Văn tồ bẻ mấy ôm bị thu bằng sạch. Bọn mấy ông anh lớn thì mang dao ra phang cả cành đem về, vớ vẩn ông Tằng tóm được thu mẹ dao. Âý thế nhưng vẫn cứ chặt, chặt về làm củi đun.
Hồi mình ở quê thì chưa có ai bị chết đuối ( hay là có mà mình đếch biết). Hồi đó hay có chuyện ma cỏ. Các bà kể chuyện ma nghe hãi bỏ bố, Có chuyện ông chài thấy 2 đứa trẻ con cầm cái sa đuổi vớt con cá. Ông quát bảo" Chúng bay muốn chết bỏ bố chúng bay mà ra xa thế" hai đứa kia sợ quá lại đi vào. Tối đên ông nghe có người cứ gọi ngoài cửa bảo" Việc ông ông làm, việc tôi tôi làm. Sao ông làm mất ăn của tôi" . Ông chài cũng lì, cầm dao ra đuổi rồi ngồi chửi nhau với ma . Nghe bảo mỗi người chết đuối hồn không thoát khỏi sông được, phải kiếm người thế mạng mới thoát để đi đầu thai. Các bà các cô hay kể chuyện bản thân gặp ma, không biết có thật không. Mình thì bị trêu 1 lần, lần ấy đầu năm học lớp 4 , đi qua cổng đình gần bờ sông 1 bóng áo trắng nhảy xuống lôi đi. Lúc đầu tưởng thằng bạn nó trêu! Chửi ầm lên nhưng không thấy nó nói gì, sau mới kéo mạnh nó vào cái ánh điện nhà gần đấy, nó bỏ ra chạy mất. Mình kể chuyện đấy ra mấy ông anh cứ đoán thằng này, thằng kia. Sau hỏi mấy thằng nó bảo không phải, mà trên mặt chúng nó lộ ra vẻ tin chuyện của mình, sau bận đấy sợ quá gần năm trời không dám ra khỏi nhà. Đến tận bây giờ cũng chẳng biết lần đấy mình gặp ma thật hay ma giả?
Sông Tích cũng lắm cá ! Mùa nước lên là đi câu đầy cá mương, cá măng, cá neo, cá bò.... những con cá đặc trưng chỉ sông mới có, có cả cả chạy ra từ ao cá lồng, thấy bảo xón Trại bắt được cả con cá mè nặng 40kg . Lại có con giải giai to như cái sàng ( Con này mình nghe bà kể chứ chưa nhìn thấy bao giờ). Mùa nước cạn thì thấy đi kéo sò, hến. trai, trùng trục, nhiều vô kể.
Đợt rồi về quê thấy bên bờ sông vẫn còn nhiều tre lắm, phải mỗi cái bẩn vô đối, rác rưởi chả biết từ đâu đổ đầy chỗ ngã 3, rơi xuống sông nổi lều phều, bây giờ bố bảo mình cũng chả dám rửa tay dưới đấy chứ nói gì tắm, lội xuống sông về khéo bị ghẻ luôn. Không biết trẻ con bên làng Phú Lễ bây giờ có tắm sông nữa không, chứ làng mình chắc cạch hẳn.
Mới đây thấy có cái dự án cải tạo sông Tích, cũng lâu lâu rồi mà chả biết các bác ý làm ăn thế mẹ nào. Chỉ một điều con sông chảy qua quê mình thì vẫn bẩn, sợ vài ba chục năm nữa chả khác đếch gì sông Tô Lịch bây giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét