Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025

 1. Cho vay gạo chứ không cho vay củi, cho mượn áo chứ không cho mượn giày

Cho vay gạo là cứu tế người, là tích phúc cho mình, do đó thông thường người ta không cự tuyệt.
Nhưng củi có khắp nơi, chỉ cần mình nỗ lực đều có thể đi kiếm củi được.
Thế nên, người xưa cứu người nghèo chứ không cứu người lười.
Không cho mượn giày là vì mỗi người cỡ chân khác nhau, rất khó tìm được giày vừa chân.
Hơn nữa giày là để đi, cho người ta mượn đi bẩn giày, rách giày rồi thì trả lại cũng làm khó cho cả 2 bên.
2. Không làm người trung gian, không làm người bảo lãnh thì cả đời không phiền não
Không làm người trung gian, không làm người bảo lãnh thì cả đời không có phiền não quấn thân.
Làm người trung gian thì nhất định 2 bên đều quen biết, đều là bạn bè.
Khi không xảy ra sự việc thì còn tốt, khi xảy ra sự việc, 2 bên không tốt nữa thì họ đều đổ tội lên thân mình.
Cuối cùng, sự tình cũng hỏng mà bạn bè cũng mất.
3. Sâu rau chết trong rau
Kẻ trộm mộ thường chết trong mộ, kẻ trộm sông thường chết dưới sông.
Làm việc xấu ở đâu thì thường sẽ mất mạng ở đó.
4. Vợ chồng củi gạo, bạn bè rượu thịt, họ hàng hộp quà
Giữa vợ chồng là củi gạo mắm muối, giữa bạn bè là ăn uống rượu chè, giữa họ hàng là quà cáp bánh trái.
Quan hệ càng thân mật càng chất phác hơn, chân thực hơn.
5. Ăn cơm người ta, nể mặt người ta. Cầm bát người ta, bị người ta quản
Trong cuộc sống dựa vào người khác, thế thì phải phục tùng người ta, chịu ước thúc của người ta.
Quyền kinh tế quyết định quyền phát ngôn.
Muốn không bị người khác quản thì phải tự lực cánh sinh.
Người trẻ tuổi không nghe lời cha mẹ, nhưng về kinh tế lại dựa vào cha mẹ, thì đó là trái đạo lý.
6. Nhân từ không nắm binh quyền, nghĩa khí không nắm tiền tài
Người nhân từ mềm lòng không thể dẫn dắt quân đội. Người nghĩa khí không thể nắm giữ quản lý tiền của tài sản.
Chiến trường liên quan đến sống chết, thời khắc then chốt không thể có cái nhân từ mềm yếu của phụ nữ, nếu không sẽ thua thảm hại, mất đi sinh mệnh của bao nhiêu người.
Người trung nghĩa trên đời thường nhiều bằng hữu, họ là người trọng nghĩa khinh tài, do đó người nghĩa khí không được nắm giữ tiền của tài sản, vì sẽ không giữ được.
7. Đánh người không đánh mặt, mắng người không bóc mẽ
Khi phát sinh mâu thuẫn với người khác thì không được chọc vào nỗi đau của người ta.
Hả dạ nhất thời nhưng để lại mối họa hoạn khôn cùng. Do đó cần kiểm soát được tâm trạng thì mới có hòa khí sinh tài.
8. Đại phú do mệnh, tiểu phú do cần
Một người có thể trở thành đại phú đại quý hay không là do Thượng Thiên chú định.
Một người có thể khá giả hay không là dựa vào nỗ lực cá nhân, cần kiệm mà thành.
Trong mệnh có cái đó thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh không có cái đó thì chớ cưỡng cầu.
Sống thiết thực, thanh bạch, cứ làm tốt việc của mình là đủ rồi. Cái gì đáng có sẽ có, cái gì nên đến sẽ đến.
9. Thà phá 10 tòa thành còn hơn hủy hoại hôn nhân một nhà
Phá hủy hôn nhân người khác là sự việc tệ hại khủng khiếp.
Hủy hôn nhân một nhà là hủy đi hạnh phúc của cả 3 đời.
Cha mẹ thương tâm, vợ chồng ly tán, con cái ràng buộc, những sai lầm trong đó không thể nào bù đắp nổi.
10. Nghèo nơi đô hội không người hỏi, giàu tại rừng sâu có người tìm
Người nếu nghèo hèn thì ở giữa đô hội đông đúc cũng không có người tìm đến.
Người nếu giàu sang thì ở nơi núi sâu rừng thẳm cũng có người tìm đến kết thân xu nịnh.
Nhân tình thế thái luôn phân ra nóng (nhiệt tình) và lạnh (lãnh đạm), từ xưa đến nay vốn vẫn như thế.
11. Anh em thân thiết, sổ sách rõ ràng
Giữa người thân thì điều không thể thiếu nợ chính là nợ kinh tế.
Thân thiết như anh em ruột thịt cũng phải nợ nần sổ sách tính toán rõ ràng.
Chỉ có nợ nần sổ sách tính toán minh bạch rõ ràng thì mới có thể hóa giải mâu thuẫn kinh tế, hóa giải mối quan hệ giữa các thành viên, thúc đẩy hợp tác lâu dài.
12. Cháu con tự có phúc phận riêng, chớ làm trâu ngựa cho cháu con
Có rất nhiều phụ huynh thục mạng làm việc để tích trữ gia tài cho con cái.
Họ lo con cái không biết nấu ăn, không có công việc tốt, không có người yêu tốt.
Thực ra, con cháu đời sau có phúc khí riêng của con cháu, chúng cần phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của chúng.
Làm cha mẹ cũng không nên làm trâu ngựa cho cháu con, quá lo nghĩ gắng sức vì chúng.
Lo nghĩ chu toàn cho con cháu quá khiến chúng mặc nhiên hưởng thụ, sẽ tự tiêu hao phúc phận của chúng. Thế nên người xưa nói: “Thương quá hóa hại con” chính là đạo lý này.
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'NGƯỜI THÁNH ĐẠT 12 đạo lý cần thuộc nằm lòng bởi nằmlòngbởicuộcsóng cuộc sống vốn phũ phàng hơn chúng ta tưởng'
Tất cả cảm xúc:
11K

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

LÒNG THAM

Hơn mười năm trước Thủ Thiêm là vùng đất ven đô của Sài Gòn, diện tích đất chủ yếu là đất nông nghiệp. Ví thử nếu không có dự án khu đô thị thì liệu đất Thủ thiêm có giá 18tr/m2 đất ở hay 870.000/m2 đất nông nghiệp không? Còn lâu nhé.
Khi nhận thiền đền bù thì mỗi nhà cũng nhận một vài tỷ. Với số tiền đó các vị đi mua đất nơi khác có khi còn nhiều hơn và dư giả.
Không bàn đến việc các vị dân oan đã sử  dụng số tiền đó để làm gì (lô đề cờ bạc hay ăn chơi). Nhưng thiết nghĩ đã nhận tiền đền bù rồi thì đất không còn trong quyền sử dụng của các vị nữa, hãy để cho người ta đầu tư và phát triển.
Nhà đầu tư đã phải bỏ ra số tiền lớn để làm rất nhiều việc, đền bù, giải tỏa, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị, xây dựng đường sá, hạ tầng, các công trình phúc lợi như công viên, hồ nước, vv.... đương nhiên họ đầu tư thì họ phải kiếm lời, 30% đất còn lại họ phải xây nhà và bán với giá 350tr/1m2 để thu hồi vốn và kiếm lời chứ.
Và hỡi ôi, con người ta lòng tham không thể đo bằng thước.

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

THỨ BA, 13 THÁNG 3, 2018


Đoản Khúc Tháng Ba



Tôi mơ thấy mình bơi trên sông Tích. Mơ thấy mình bé lại như trẻ con thơ thẩn bên bờ cỏ xanh mọc sát chân đê. Và cha còn đó, tôi đợi cha về.
Cuộc sống thật lạ. Có những chuyện nhẹ nhàng trôi đi như gió thoảng, chẳng để lại cho người ta chút ấn tượng gì. Nhưng có những điều luôn ghi khắc sâu trong tâm khảm. Để rồi gần 30 năm sau khi nhớ lại vẫn thấy rõ rệt như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Tháng ba về trong làn mưa bụi sướt mướt với cỏ cây xanh đẫm hơi xuân. Mùi của đất, của gió và mùi cỏ cây thoang thoảng cho cảm giác bình an dễ chịu. Những kỷ niệm hoang hoải tràn về trong ký ức. Khi làn gió mùa xuân nhẹ nhàng thoảng qua bất chợt thấy thương nhớ và buồn đến não lòng.
Nhớ tháng ba ngày còn ở quê nội. Khi người ta mới cấy xong tôi thường lang thang một mình trên cánh đồng bắt dế về thả vào lọ mực để nuôi. Hay cùng lũ bạn tìm đất thó để chơi pháo và nặn những hình voi ngựa. Tháng ba là mùa trẻ con ở quê chơi đánh giấy. Thời đó kinh tế khó khăn chẳng có trò gì đặc biệt ngoài những trò chơi tự nghĩ ra với nhau. Những tờ giấy để gói đồ quý giá biết bao nhiêu. Tôi ngốc nên chơi toàn thua, đôi khi xe vở ra để chơi. Thỉnh thoảng cha kiểm tra cũng chỉ mắng vài câu chứ không đánh bao giờ. Có lẽ vì chơi kém những trò cá cược từ nhỏ nên sau này lớn lên dị ứng và gần như chẳng bao giờ tham gia bài bạc nữa.
Nhớ tháng ba mùa giáp hạt. Những bữa sáng bà cháu chỉ có khoai luộc. Muỗi buổi sáng bà luộc một nồi khoai bà ăn vài củ rồi đi làm đồng. Tôi thức dậy thơ thẩn với nồi khoai đến giờ đi học. Khoai lang luộc hồi đó ngon và bùi chứ không nhạt thếch như bây giờ. 
Nhớ hàng xà cừ trồng hai bên bờ đê. Tháng ba là thời điểm rơm đun cũng sắp hết, theo đám bạn chăn trâu với bẻ lá xà cừ. Thỉnh thoảng cũng được cho một ôm mang về cho bà phơi thấy vui vui.
Năm đó cha thầu cái ao của hợp tác. Cha lặng lẽ đi về, áo gụ nâu cha mặc đẫm mồ hôi. Lang thang ra xem cha làm hàng rào với trồng cây thả cá. Thỉnh thoảng bắt châu chấu với câu cá bống về nấu bỗng. Cha là người chăm chỉ chịu khó, mỗi tội hiền lành quá nên hay bị người ta lừa lọc thành ra cuộc đời cha lận đận. Bây giờ nhớ lại thấy mũi cay cay thương cha đến quặn lòng.
Tháng ba mùa hoa xoan hoa bưởi. Khi những bông hoa bưởi trắng tỏa ra mùi hương thoang thoảng, hay hoa xoan tím ngắt thơm nồng rụng khắp lối về. Ra vườn nhặt những bông hoa bưởi về lấy cành găng cắm nghịch. Và sau này tôi bày cho lũ trẻ con chơi trò đấy nữa. Cắm một cành găng chi chít hoa bưởi đẹp lắm và thường trẻ con đứa nào cũng thích. Lớn lên một chút thì không nhặt hoa bưởi để chơi nữa mà để bán.
Nhớ những ngày tháng ba ở Xuân Mai. Là mùa rau má với rau cần dại mọc đầy bờ ao. Tôi đi tìm rau má với rau cần dại thường được một rổ đầy. Không hiểu sao thích làm công việc đó hơn là đắp bờ tát cá. Và sau này vẫn thích hái rau dại về luộc hơn là ăn rau trồng. Tháng ba là khoảng thời gian cây phát triển mạnh, và mỗi khi mùa về lại dọn lấy một khoảng vườn nho nhỏ tìm kiếm cây rau linh tinh về trồng chơi.
Tháng ba với những kỷ niệm đau lòng về quãng đời lận đận cay đắng. Là khoảng thời gian biến tướng từ một đứa trẻ ngoan thành một kẻ bất cần đời. Khoảng thời gian gia đình khó khăn và hầu như không có tiếng cười, tôi đi học bị đuổi ra khỏi lớp vì không có tiền nộp học phí với những ánh mắt cười nhạo của bạn bè và những lời đe dọa của cô chủ nhiệm. Bắt đầu biết trốn học lang thang tập tành hút thuốc, uống rượu, chửi thề và tụ tập đánh nhau. Ngày đó trong tâm tư vô định hình, nhìn tương lai một màu xám xịt thấy phát sợ. Quãng thời gian khủng khiếp đó ảnh hưởng sâu đến cuộc sống và sự nghiệp sau này. 
Nhớ tháng ba thời sinh viên, khi hoa dâu da xoan rụng đầy vỉa hè. Nhìn hoa rụng cảm giác mơ hồ lãng đãng. Cùng đám bạn đi lang thang và ngồi nhâm nhi chén chè nóng bên quán nước ven đường. Mãi rồi thành quen và đôi khi một mình chán học cũng đi lang thang ra ngồi quán nước. Chẳng làm gì ngoài tìm một chút hoài niệm cảm xúc thế thôi.
Tháng ba trời đất âm u với mưa bụi nhạt nhòa. Nhớ những buổi tối mưa bay lất phất đứng bên con ngõ nhỏ đợi người con gái ấy đi học về. Đôi khi mưa ướt bờ vai nhỏ thấy thương em rưng rưng. Có bài thơ tôi viết cho cô gái bé nhỏ có bờ vai mỏng manh ấy. Gần 20 năm rồi giờ không biết em có hạnh phúc không?
Trời mưa ướt vai em bé nhỏ
Ướt đường về suốt đêm khuya
Giọng mưa khẽ rơi trên phố lạ
Trên cuộc tình lẫn cơn mê
Rồi em bước đi trên lối về
Mưa bụi âm thầm ngóng em đi
Đường xa có ai đang đứng đợi
Trông chờ người về mắt hoen mi
Cuộc sống làm con người ta trở nên chai sạn và trơ khấc. Hiếm khi loáng thoáng một chút kỷ niệm trở về trong tiềm thức. Nhưng tôi thương tháng ba và thích những ngày mưa bụi.
TQT Tháng 3/2018

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Trải

        Những cơn mưa bụi lay lắt, mang theo cái se lạnh và đôi chút cảm xúc miên man. Lẫn đâu đó là những hoài niệm về quãng đời thăng trầm, tự nhủ lòng " cuộc sống mà, cố gắng lên".
        Tuổi trẻ ai chẳng có ước mơ, hay còn gọi là những niềm đam mê vậy. Thậm chí có những kẻ muốn dời non lấp bể, tên tuổi ghi danh. Tôi mơ đến những cuộc phiêu lưu, in dấu chân trên non xanh biển bạc. Thời thơ ấu khó khăn vất vả nhưng nhìn đời thật đẹp, chưa bao giờ có những hoài nghi về tình thương yêu của nhân loại.
       Càng lớn, tôi càng hoài nghi. Và càng hoài niệm. Có giai đoạn tôi nghi ngờ tất cả, nghi ngờ sự công bằng của xã hội, nghi ngờ tính chính xác của những bài học phổ thông.... Nhiều đêm loay hoay trong mộng mị tôi thấy dường như tất cả bạn bè người thân đều quay lưng bỏ đi. Niềm tin tàn lụi, nhen nhúm trong tư tưởng là sự tàn nhẫn cố hữu. Bấu víu vào đó để tìm kiếm lẽ sống. Đôi khi, tôi sống bằng hoài niệm, sống với quá khứ vậy.
       Tôi thích mưa, không màu mè sáo rỗng. Chỉ là thích vậy thôi. Tôi thích những ngày âm u mưa bụi bay lất phất. Hay tôi thích những trận mưa rào ngập đường ngập phố. Tôi song hành với cái sở thích quái đản đó hơn ba chục năm trời. Nhớ mười hai năm trước trong cơn mộng mê tôi thường thấy mình đi dưới mưa bụi trên con đường xa lạ. Giấc mơ thỉnh thoảng lặp lại hơn một thập kỷ. Tôi lấy tên mưa bụi là vì thế.
      Thời sinh viên có cô bạn viết vào vở của tôi rằng " Cuộc sống như chiếc gương, nó sẽ cười với bạn nếu bạn cười với nó". Nghe như là đơn giản, tưởng chừng như dễ lắm. Nhưng cười đâu phải dễ với kẻ hay hoài nghi về hạnh phúc.
      Đôi khi loáng thoáng một khoảng lặng, và trong tâm  hình thành chữ "lạc". Lạc lõng, lạc loài, và lệch lạc cả tư tưởng. Trách ai? Hay tôi tự trách mình sinh nhầm thời. Bươn trải, bôn ba với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bao ước mơ còn dang dở đều xếp lại. Những phần ngạo khí đành tiêu tan, và phải lụy nhân thế. Nhiều khi tự thấy xấu hổ bản thân mình.
      Cái mà cả đời con người truy cầu thường là sự bình an. Vì bình an mà con người cả đời tranh đấu. Muốn tĩnh thì phải động vậy thôi. Tôi chẳng bao giờ mơ dời non lấp bể. Chỉ mong có cuộc sống bình an để viết lại những ước mơ còn dang dở. Những thử hỏi ai có thể bình an được khi sống trong guồng quay của cơm áo gạo tiền? Ăn bằng gì và ngủ ở đâu. Chỉ đơn giản vậy thôi mà cả đời quay cuồng trong dòng đời nghiệt ngã, bình an dần trở thành thứ xa xỉ, rồi xa lạ.
      Mỗi con người sinh ra đều mang một số phận khác nhau. Hình như số phận của tôi là một cuộc đời lay lắt. Tôi yêu nghệ thuật, nhưng chẳng dám, cũng chẳng đủ tự tin để cả đời hi sinh vì nó. Làm thơ, viết văn, vẽ, chơi đàn, ca hát tôi đều lọ mọ để học. Đam mê đấy, nhưng chẳng đủ bản lĩnh để theo đuổi. Ghét cay ghét đắng những toan tính lọc lừa. Nhưng đó lại là thứ do luật định trời ban.
     Tình yêu thương cạn dần nhường chỗ cho những toan tính ích kỷ. Đôi khi thấy xót xa, thương những mảnh đời bất hạnh. Muốn giúp lắm nhưng lực bất tòng tâm. Lâu dần làm cho tâm hồn trở nên chai sạn và trơ khấc.
     Đời người như bóng bạch câu qua cửa sổ. Trăm năm có là bao?